BỆNH SUYỄN LỢN (HEO)
Suyễn lợn (heo) còn được gọi là bệnh viêm phổi địa phương hay hô hấp mãn tính do vi khuẩn Mycoplasma hyopneumoniae gây ra. Đây là một trong những bệnh đường hô hấp quan trọng nhất trên heo. Bệnh thường xảy ra ở heo trên 6 tuần tuổi, lây lan do tiếp xúc trực tiếp giữa heo bệnh và heo khỏe. Vi khuẩn có thể theo không khí đi xa đến 2 – 3km để gây bệnh trong điều kiện thời tiết thích hợp. Heo nái, heo hậu bị mang trùng mà không biểu hiện bệnh là nguồn lây bệnh quan trọng cho heo con.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh này do Mycoplasma gây ra. Có ở mọi lứa tuổi đặc biệt lợn từ 1-3 tháng tuổi , các triệu chứng viêm phổi và viêm phế quản phổi. Bệnh được coi là nguyên nhân tiên phát gây bệnh đường hô hấp phức hợp ở lợn.
Tỷ lệ mắc bệnh cao, nhưng tỷ lệ chết thấp khoảng 10%. Nếu kế phát các bệnh truyền nhiễm khác thì tỷ lệ chết tăng cao. Bệnh gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Do lợn còi cọc, chậm lớn, chi phí điều trị lớn, chi phí phòng bệnh và chi phí thức ăn tăng.
Thường xảy ra vào vụ đông xuân, khi thời tiết thay đổi đột ngột: mưa, gió, trời lạnh. Chuồng nuôi ẩm ướt, ngột ngạt nhiều khí độc NH3, H2S, CO2. Mật độ nuôi không phù hợp, nuôi quá đông. Thức ăn nghèo các chất vi lượng, Vitamin A, D, E…
2. Triệu chứng
Thời kỳ nung bệnh dài từ 1- 4 tuần, nhưng cũng có thể sau 1-3 ngày. Bệnh thường phát triển rất chậm trên nền của viêm phế quản phổi và thông thường có 2 thể bệnh: cấp tính và mãn tính.
2.1. Thể cấp tính
Lúc đầu triệu chứng rất nhẹ, khó phát hiện bệnh, lợn ốm thường rời đàn, đứng hoặc nằm ở góc chuồng, chậm lớn, ăn kém, da nhợt nhạt.
Thân nhiệt bình thường hoặc sốt nhẹ 39,5 – 400C.
Lợn hắt hơi chảy nước mũi, sau đó chuyển thành dịch nhầy, thở khó, ho nhiều. Lúc đầu ho khan từng tiếng, ho chủ yếu về đêm, sau đó chuyển thành cơn, ho ướt nghe rõ nhất là vào sáng sớm đặc biệt là các buổi khi trời se lạnh, gió lùa đột ngột, nước mũi nước mắt chảy ra nhiều.
Do phổi tổn thương nên con vật khó thở, thở nhanh và nhiều, tần số hô hấp tăng. Lợn há mồm để thở, ngồi như chó ngồi để thở, vật thở dốc, hóp bụng để thở, xương sườn và cơ bụng nhô lên hạ xuống theo nhịp thở gấp. Một số lợn bệnh chảy nước mắt, nước mũi, sùi bọt mép, niêm mạc miệng, mũi, mắt thâm tím do thiếu oxy.
Nếu không điều trị, lợn bệnh sẽ chết sau 7- 20 ngày. Tỷ lệ chết phụ thuộc rất nhiều vào lứa lợn nuôi, sức đề kháng của cơ thể và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng cũng như bệnh thứ phát.
2.2. Thể mãn tính
Thể này thường từ thể cấp tính chuyên sang. Lợn con và lợn nái không có chửa hay mắc.
Khi bị bệnh, lợn ho húng hắng liên tục và bệnh kéo dài, ho khan. Có khi lợn ho giật từng cơn rồi nôn mửa, lưng cong, cổ vươn, mõm cúi xuống, . Lợn ho đến khi long đờm ra thì cơn ho mới dừng. Lợn khó thở nặng.
Lợn ăn uống bình thường, nhưng lợn chậm lớn còi cọc.
Da lợn kém bóng, lông cứng và xù dựng đứng, nhiều trường hợp thấy da bị quăn và xuất hiện nhiều vảy nâu.
Một số trường hợp bị viêm khớp và vì thế chúng đi lặc, đôi khi thấy liệt và bán liệt. Ở lợn nái, có thể có thấy thai chết lưu, sảy thai và con chết yểu.
Nếu bị bội nhiễm thì lợn bệnh ho thường xổ mũi như mủ khiến bức tranh lâm sàng trở nên phức tạp.
Còn khi lợn bệnh qua được thì khả năng hồi phục cũng rất kém. Do phổi bị tổn thương nặng, lợn trở nên còi cọc và chậm lớn.
3. Bệnh tích
Vùng phổi viêm sưng rắn, xung huyết phân biệt rõ với tổ chức phổi bình thường. Các hạch lâm ba phổi cũng sưng to và xung huyết.
Chỗ viêm ở phổi cứng dần, màu đỏ nhạt hoặc xám nhạt, mặt bóng láng, trong suốt, bên trong có chất keo nên gọi là viêm thể kính.
Phổi viêm dầy đặc lại, cứng rắn, bị gan hóa ở trạng thái như thịt gọi là phổi bị nhục hóa. Phổi cắt ra có nước hơi lỏng màu tráng xám có bọt. Bóp miếng phổi được cắt ra thấy chảy nhiều nước đỏ đục, bỏ vào nước thấy phổi chìm.
Đặc điểm nổi bật của bệnh suyễn là các thùy phổi bị viêm ở 2 bên phổi đối xứng giống nhau.
4. Phòng bệnh
* Vệ sinh chuồng trại
– Thường xuyên quét dọn chuồng trại sạch sẽ, chuồng trại luôn đảm bảo thông thoáng, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, tránh ẩm ướt.
– Thực hiện phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi 1 lần/tuần.
– Sau mỗi đợt nuôi tiến hành tổng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; dùng nước vôi 10 – 20% quét kỹ tường chuồng. Nền chuồng rắc vôi bột; để chống chuồng 15 ngày. Trước khi nhập lợn vào nuôi tiến hành quét sạch vôi bột ở nền chuồng và phun lại thuốc khử trùng một lần nữa.
* Con giống
Nhập con giống vào nuôi phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ vùng an toàn dịch, được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, thực hiện nuôi cách ly theo dõi 15 ngày mới nhập đàn.
* Chăm sóc, nuôi dưỡng
– Cho lợn ăn, uống đầy đủ, đúng khẩu phần đảm bảo chất lượng.
– Thường xuyên bổ sung vitamin, điện giải, men tiêu hoá để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
– Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp.
* Phòng bệnh thuốc
Định kỳ trộn kháng sinh vào thức ăn cho lợn ăn liên tục 5-7 ngày/tháng
* Phòng bệnh bằng vắc xin: Mypravac suis, Respisure 1 ONE
5. Điều trị
Phác đồ:
- Tiêm thuốc bổ + Dipyron
- Dùng kháng sinh: Tylosin, Licospec, Tiamulin
- Kháng sinh trộn: Tylosin, Licospec, Doxy-genta
Cuối cùng, bà con có thể xem thêm về các bệnh trên gia súc tại đây !
Chúc bà con nuôi dưỡng thành công!
TRỢ GIÚP
TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI & GIẢI PHÓNG THÚ Y TRỊNH THUỶ
“Trợ thủ đắc lực của nhà nuôi dưỡng”
Bác sĩ thú y: Phạm Xuân Trịnh
DD: 0977 809 555
Zalo: +84 983843015
Mail: xuantrinhmvt@gmail.com
Facebook: http://www.facebook.com/bsphamxuantrinh