BỆNH SỐT VẸT
(Ornithosis psittacosis)
Sốt vẹt – Chlamydiosis là bệnh được phát hiện vào cuối thế kỷ 19, lúc đó mang tên” sốt vẹt”. Bệnh này bắt nguồn từ những con vẹt lây nhiễm sang người ở vùng châu Âu và Bắc Mỹ. Bệnh này không chỉ lây từ vẹt sang người mà còn lây nhiễm cho khoảng 130 loài chim, đặc biệt là những loài chim đã thuần hoá chăn nuôi ở gia đình như gà, vịt. Bệnh chủ yếu phát ra ở gia cầm non với triệu chứng viêm mắt và tiêu chảy. Ở gia cầm lớn thường nhiễm bệnh ở thể ẩn tính.
I – ĐỘNG VẬT CẢM THỤ BỆNH SỐT VẸT
Hầu hết các loài gia cầm đều bị cảm nhiễm. Bệnh lây lan sang cả người, đặc biệt ở những người chế biến lông vũ, chế biến vịt xuất khẩu và cả những cán bộ thú y khi làm công tác tiêm phòng, kiểm soát sát sinh và hướng dẫn chế biến thịt và lông vịt xuất khẩu.
II – NGUYÊN NHÂN BỆNH SỐT VẸT
Bệnh do vi khuẩn Chlamydia có kích thước rất nhỏ (nhỏ hơn virus và lớn hơn vi khuẩn), ký sinh bên trong tế bào gây nên. Vi khuẩn chỉ sản sinh trong tế bào sống (phôi, gà, chuột), vi khuẩn truyền qua trứng. Vi khuẩn thường gây bệnh ở gia cầm con. Vi khuẩn có sức đề kháng kém, ở nhiệt độ bình thường nó có thể tồn tại 1-5 tuần. Ở nhiệt độ 56oC vi khuẩn bị tiêu diệt trong 5 phút. Các thuốc sát trùng như Phenol 0,5% hoặc Formalin 0,1% đều tiêu diệt được vi khuẩn trong 10 phút.
III – CON ĐƯỜNG TRUYỀN LÂY BỆNH SỐT VẸT
– Truyền lây qua trứng từ mẹ sang hoặc từ môi trường chuồng trại nhiễm mầm bệnh vào vỏ trứng. Từ vỏ trứng mầm bệnh vào phôi.
– Nhiễm do tiếp xúc giữa con bệnh và con khỏe (do vi khuẩn tồn tại trong phân, dịch mũi, dịch rỉ viêm ở kết mạc mắt thải vào thức ăn, nước uống trong chuồng trại).
– Lây nhiễm qua da bị sây sát do vật cứng ở chuồng trại hay do rận rệp, mạt và muỗi cắn.
IV – TRIỆU CHỨNG
Sau khi nhiễm trùng, vi khuẩn xâm nhập vào các tế bào bạch cầu, ở đó chúng tăng sinh và gây nhiễm trùng cho các cơ quan nội tạng khác, đặc biệt là gan, lách, thận.
+ Triệu chứng ở gà:
– Giảm trọng lượng, bỏ ăn.
– Phân ỉa chảy có chất nhầy màu xanh vàng.
– Gà đẻ giảm tỷ lệ trứng hoặc ngừng hẳn một thời gian sau mới hồi phục.
– Tỷ lệ chết từ 10-30% tuỳ thuộc vào các chủng Chlamydia psittaci gây bệnh.
+ Trên vịt con:
Viêm kết mạc mắt có mủ, dịch viêm chảy ra từ mắt làm dính khô vây xung quanh lông mắt. Đôi khi vịt bị mù do hai mí mắt dính vào nhau.
– Vịt yếu và tiêu chảy, phân màu xanh xám.
– Với tỷ lệ chết có thể tới 30%.
Bệnh thường ghép với Salmonella, P.anatipestifer, Septicaemia hoặc viêm gan siêu vi trùng. Trong trường hợp đó bệnh sẽ nguy hiểm hơn.
+ Bồ câu và vẹt:
– Bỏ ăn, tiêu chảy.
– Viêm kết mạc, sưng mí mắt và xoang mũi.
– Thở khó (do xoang mũi viêm, dịch chứa đầy).
V – MỔ KHÁM BỆNH TÍCH
+ Trên gà:
– Sung huyết đỏ ở phổi.
– Xoang ngực cũng như xoang bao tim có dịch rỉ viêm fibrin màu vàng.
– Túi khí viêm chứa nhiều dịch rỉ fibrin.
– Lách sưng to, mềm.
– Trên mặt gan có phủ lớp màng fibrin.
+ Trên vịt:
– Bệnh tích giống trên gà nhưng có thêm: Cơ ngực bị teo; viêm khớp móng chân; vịt già ở gan có những đám hoại tử trắng với kích thước khác nhau.
+ Bồ câu và vẹt giống như ở gà và vịt.
VI – CHẨN ĐOÁN
– Dựa trên triệu chứng lâm sàng và dịch tễ học.
– Lấy bệnh phẩm gan, lách, tim nhuộm Giemsa. Ta thấy những đám vi khuẩn Chlamydia trong tế bào.
– Làm phản ứng kết hợp bổ thể(CFT) để phát hiện kháng thể trong huyết thanh những gia cầm khỏi bệnh.
– Kiểm tra kháng thể huỳnh quang từ dử mắt bị viêm kết mạc là một phương pháp chẩn đoán nhanh.
– Chẩn đoán phân biệt với các bệnh Salmonellosis, P. anatipestiferr cũng gây tiêu chảy nhưng không viêm mắt.
VII – PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH
a) Phòng bệnh
– Tránh nuôi chung gia cầm nhỏ với gia cầm lớn(vì gia cầm già thường mang mầm bệnh và truyền lây cho gia cầm con).
– Phải làm công tác vệ sinh thích hợp sau mỗi ổ dịch.
– Trước khi nhập đàn phải kiểm tra huyết thanh học của đàn gà nhập.
– Dùng kháng sinh trộn vào thức ăn hay nước uống để phòng ngừa. Thuốc có tác dụng tốt là Chlotetracyclin, Oxytetracyclin……và các nhóm thuốc trong nhóm Macrolid. Liều dung và quy trình phòng bệnh như trong bệnh bạch lỵ và thương hàn, CRD gia cầm.
b) Trị bệnh
Sử dụng một trong các loại thuốc kháng sinh tổng hợp như Chlotetrasol, Noedexin, Neocycin, Tylo PC tiêm với liều lượng và liệu trình như trong điều trị bệnh thương hàn, E.coli hay bạch lỵ gia cầm.
Cuối cùng, bà con có thể xem thêm về các bệnh trên gia cầm tại đây !
Chúc bà con nuôi dưỡng thành công!
TRỢ GIÚP
TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI & GIẢI PHÓNG THÚ Y TRỊNH THUỶ
“Trợ thủ đắc lực của nhà nuôi dưỡng”
Bác sĩ thú y: Phạm Xuân Trịnh
DD: 0977 809 555
Zalo: +84 983843015
Mail: xuantrinhmvt@gmail.com